Thái Nguyên xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo”
Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát những mô hình “Dân vận khéo” đã xây dựng; phân loại những mô hình tốt, đạt hiệu quả cao để nhân rộng, củng cố những mô hình hoạt động yếu, chưa hiệu quả. Tỉnh ủy đã phối hợp tổ chức 16 hội nghị, biểu dương gần 1.000 điển hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo, sống tốt đời đẹp đạo” trên địa bàn tỉnh, như: Hội nghị biểu dương cán bộ “Dân vận khéo” người dân tộc thiểu số; biểu dương cán bộ cốt cán tiêu biểu là người dân tộc thiểu số trong các phong trào thi đua; biểu dương các điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu toàn tỉnh… Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh như: Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh xây dựng các chuyên mục, phóng sự về phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong đó chú trọng tuyên truyền các mô hình điển hình trên mọi lĩnh vực, nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương bằng những kế hoạch cụ thể, đề ra các chỉ tiêu, biện pháp, mô hình phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ trong từng giai đoạn và đã đưa phong trào dân vận khéo phát triển sâu rộng hơn. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được 6.496 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị…
* Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Tỉnh tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác dân tộc; tập trung chỉ đạo công tác xóa đói, giảm nghèo, xác định nhiệm vụ giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách mức sống giữa các dân tộc, vùng miền.
5 năm qua, tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, an sinh xã hội, chương trình, dự án, đề án đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hơn 105 tỷ đồng. Tỉnh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối các vùng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số luôn được quan tâm; coi trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho sinh viên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng; phát huy vai trò người có uy tín trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng… Từ đó, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được cải thiện. Hậu Giang đã giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ hơn 31% (năm 2016) đến nay còn gần 19%.
Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, hỗ trợ, nâng cao mức tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản cho đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước hạn chế, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn phát huy bản sắc tốt đẹp của các dân tộc; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.